Nhiều mặt hàng nông sản đã bị thương lái nước ngoài mua gom, sau đó rớt giá thê thảm tới 30% - 70%.
Chiều 7/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Buông lỏng của địa phương
Phản ánh ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước cho biết, gần đây một số thương lái nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thu gom nông thủy sản trái phép, thao túng, ép giá các mặt hàng nông sản, đẩy doanh nghiệp và nông dân vào tình cảnh khốn đốn.
Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng nông sản như vải thiều, thanh long, dưa hấu, dứa, gạo... đã bị thương lái nước ngoài mua gom, sau đó rớt giá thê thảm, xuống còn 30% - 70%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa thừa nhận, về phía các quản lý đã có nhận thức và phối hợp chưa thông suốt từTrung ương đến địa phương, cũng như các bộ ngành; khiến cho tình hình thị trường nông sản bị bất ổn, ảnh hưởng tới vùng thu mua nguyên liệu, đặc biệt đã khiến cho các nhà sản xuất trong nước bị thua thiệt.
Tuy nhiên, bà Kim Thoa cũng khẳng định, về cơ bản thì đa số thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều tuân thủ pháp luật, giúp cho hàng nông sản trong nước được mua bán, trao đổi. Song cũng có một bộ phận thương nhân nước ngoài đã núp bóng dưới hình thức du lịch vào kinh doanh chụp giật, trái phép.
Do vậy, theo bà Thoa cần phân loại rõ từng đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ hoặc siết chặt công tác quản lý.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bổ sung thêm, mặc dù luật pháp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất đầy đủ nhưng cơ quan quản lý tại các địa phương đã không xử lý kịp thời.
Theo ông Quyền, từ nhận thức đến việc tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế.
Chính vì thế mới để xảy ra tình trạng nhiều nhà máy bị mất nguồn nguyên liệu, hoạt động cầm chừng, trong khi nông dân đổ xôđi nuôi, trồng các giống cây theo “đơn hàng ngoại” cấp tốc, khi lượng ít thì thương lái nước ngoài mua giá cao, nhưng nhiều hàng thì hạ giá hoặc quỵt nợ.
Không nên siết quá chặt khi đang nới lỏng
Nói về giải pháp, ông Quyền khẳng định thêmmột lần nữa “Phần lớn thương nhân nước ngoài hoạt động tốt nhưng chỉ có một bộ phận tổ chức vào Việt Nam bằng con đường du lịch, thăm thân và tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép”.
Do vậy, cần làm tốt công tác tổ chức, đưa hoạt động thương nhân nước ngoài vào kỉ cương luật pháp.
“Phải thống nhất sự cần thiết của hoạt động thu mua xuất khẩu nông sản; hài hòa nhận thức tránh siết chặt lại khi đang nới lỏng. Nông sản của Việt Nam cần thiết đối với thế giới nhưng thị trường thế giới cũng là quan trọng đối với Việt Nam. Đây là cuộc chơi có đi có lại với nhau” – Ông Quyền nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang có chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia toàn diện tránh lũng doạn do chỉ làm việc với một địa bàn và dẫn đến tình trạng làm giá.
Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương.
Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản vi phạm pháp luật về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài khôngcó hiện diện thương mại tại Việt Nam sẽ sớm được thực hiện;
Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép.
Khánh Linh
Theo TTVN