(baodautu.vn) Luật pháp chưa hoàn chỉnh, việc phân công, phân nhiệm còn lúng túng làm hạn chế nỗ lực ngăn chặn việc vận chuyển trái phép chất thải nguy hại vào Việt Nam.
Diễn biến phức tạp và nghiêm trọng
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm có hàng trăm triệu tấn hàng các loại nhập khẩuvào Việt Nam theo đường chính ngạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm đến môi trường, như máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, hết niên hạn sửdụng; linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt quá ngưỡng nhiều lần mà Tiêu chuẩn Việt Nam cho phép và các loại phế liệu nhập khẩu để tái chế... trái với Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ và Quyết định số12/2006/QĐ-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường và Công ước Basel.
Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 5/2009 đến 5/2011, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 37 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này, trong đó có 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hoá khác thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu Việt Nam. Tuy mức độ vi phạm nghiêmtrọng là vậy, nhưng chưa có vụ nào bị xử lý theo trình tự tố tụng hình sự vàđều đã bị xử lý theo thủ tục vi phạm hành chính, với số tiền nộp phạt gần 3 tỷ đồng. Cùng với biện pháp nộp phạt, tang vật buộc tiêu huỷ, hoặc buộc tái xuất về nước đã xuất.
Có thời gian cao điểm, khi một số quốc gia láng giềng tạm ngừng nhập hàng tái xuất từ Việt Nam, tại cácbến cảng của Hải Phòng đã ứ đọng hàng hoá dạng này lên tới gần 1.000 container. Sau một thời gian lưu giữ khá dài, lượng hàng này đã phát tán và phân huỷ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thủ đoạn tinh vi
Để thực hiện những hành vi vi phạm này, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã câu kết và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật về tạm nhập tái xuất, nhập khẩu phế liệu, tiêu chuẩn về yếu tố làm sạch trong hàng hóa nhập khẩu, quy trình kiểm tra xác suất khi thông quan...
Thủ đoạn của các doanh nghiệp này thường là gian dối trong khai báo về tên gọi của hàng hoá để hợp pháp việc đưa hàng vào luồng xanh miễn kiểm, hoặc chấp nhận đưa vào luồng đỏ, luồng vàng để kiểm tra xác suất 5%, 10%, nhưng lại có các động thái tiêu cực khi kiểm tra...
Trường hợp hàng hoá vi phạm có nguy cơ bị bại lộ, thì doanh nghiệp nhận hàng thường chủ động ra văn bản từ chối nhận hàng, hoặc đơn phương bỏ mặc, tạo cớ trì hoãn và bịt kín các hồ sơ, tài liệu về hàng hoá đó với danh nghĩa là không có quan hệ về hợp đồng kinh tế. Nếu cơ quan chức năng có xác minh tận gốc về xuất xứ của hàng hoá đó, thì biện pháp xác minh và thời gian thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả xác minh thường cho thấy, phần lớn là “doanh nghiệp ma” và địa chỉ đó ở nước ngoàilà “không có thật”, hoặc doanh nghiệp đó tuy là có thật, nhưng đã tuyên bố phá sản, giải thể, nay không còn hoạt động và không có quan hệ về dân sự với các đối tác Việt Nam.
Kẽ hở của pháp luật
Trong khi đó, hành lang pháp lý của Việt Nam còn nhiều điểm chưa rõ và bất cập như, định nghĩa thế nào là chất thải nguy hại có số lượng lớn, rất lớn và đặc biệt lớn? Thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng? Thế nào là thiết bị máy móc không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường? Thế nào được coi là phếliệu sạch, không chứa tạp chất? Trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân chuyển chất thải, trái phép vào lãnh thổ Việt Nam chưa được quy định rõ, nên khi phát hiện sai phạm sẽ rất khó xử lý.
Hiện chưa có biện pháp nào để xác định hoàn thành quá trình tái xuất đối với hàng hoá vi phạm buộc tái xuất; chưa xác định rõ trách nhiệm của chủ tầu, chủ hàng khi hàng hoá vận chuyển được xác định là chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lại là hàng vô chủ, giải pháp đối với loại hàng hoá này để không vi phạm Công ước Basel trong việc buộc tái xuất về nước đã xuất.
Trong bối cảnh chế tài trong pháp luật hình sự hiện chưa có những hướng dẫn cụ thể đối với những điểm còn vướng mắc và bất cập, thì việc áp dụng một số giải pháp nhằm góp phần khắc phục tình trạng đưa chất thải vào Việt Nam là cần thiết. Theo đó, phải chỉnh sửa những khâu còn thiếu, vướng mắc trong hệ thống luật; nghiên cứu phương pháp tái chế, hoặc tiêu hủy những sản phẩm đang tồn đọng sau xử lý; phối hợp việc tuyên truyền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp hành động.
(*) Thượng tá, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường
Theo baodautu.vn